Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;
Căn cứ Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học;
Căn cứ Quy chế số 40/QC-ĐHKT-HĐT ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng trường về Tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ
cao đẳng với trình độ đại học;
Theo đề nghị của Trưởng phòng Đào tạo.
Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh ban hành quy định về việc tuyển sinh Liên thông đại học hình thức đào tạo chính quy tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh như sau:
Điều 1.Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Văn bản này quy định về tuyển sinh liên thông giữa trình độ cao đẳng với trình độ đại học hình thức chính quy tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trường), bao gồm: ngành/chuyên ngành tuyển sinh liên thông; điều kiện của người dự tuyển liên thông; chỉ tiêu và các đợt tuyển sinh đào tạo liên thông; hình thức dự tuyển liên thông; phương thức tuyển sinh; và điều khoản thi hành.
Điều 2.Ngành/chuyên ngành tuyển sinh liên thông
Ngành/chuyên ngành tuyển sinh liên thông là ngành/chuyên ngành đã có quyết định ban hành đào tạo trình độ đại học hình thức chính quy.
Điều 3.Điều kiện của người dự tuyển liên thông
1. Người tốt nghiệp cao đẳng có thể học tiếp các chương trình đào tạo trình độ đại học theo hướng chuyên môn phù hợp, hoặc theo hướng chuyên môn khác nếu đáp ứng được các điều kiện của chương trình đào tạo.
2. Người dự tuyển liên thông phải bảo đảm các điều kiện theo quy định hiện hành về tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có một trong các văn bằng dưới đây:
– Bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng do các cơ sở đào tạo trong nước cấp.
– Bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng do các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
3. Người dự tuyển nộp hồ sơ đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định của Trường.
Điều 4.Chỉ tiêu và các đợt tuyển sinh liên thông
1. Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy thuộc tổng chỉ tiêu được xác định hàng năm của Trường.
2. Trường tổ chức tuyển sinh liên thông đại học chính quy đợt chính thức vào khoảng tháng Ba hàng năm. Sau đợt chính thức, nếu còn chỉ tiêu, Trường sẽ tổ chức tuyển sinh các đợt bổ sung cùng năm.
3. Trường thông báo công khai chỉ tiêu, đối tượng, phương thức tuyển sinh, hình thức đào tạo liên thông trên cổng thông tin tuyển sinh và phương tiện thông tin đại chúng trước khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển sinh liên thông ít nhất là 30 ngày.
Điều 5.Hình thức dự tuyển liên thông
Người có bằng tốt nghiệp cao đẳng đăng ký tuyển sinh liên thông lên trình độ đại học, được dự tuyển sinh liên thông theo các hình thức do Hiệu trưởng quyết định như sau:
– Dự tuyển sinh cùng với thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở kỳ tuyển sinh vào đại học hàng năm của Trường.
– Tham gia phương thức tuyển sinh riêng do Trường tổ chức.
Điều 6.Phương thức tuyển sinh
Phương thức tuyển sinh riêng liên thông giữa trình độ trình độ cao đẳng với trình độ đại học được thực hiện theo các phương thức thi tuyển hoặc xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển do Hiệu trưởng quyết định theo quy định hiện hành về tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1. Phương thức thi tuyển
1.1. Môn thi tuyển
Thí sinh dự thi ba (03) môn: môn Cơ bản, môn Cơ sở ngành và môn Chuyên ngành. Các môn thi được xác định dựa trên ngành/chuyên ngành thí sinh đăng ký.
Thông báo tuyển sinh có thể hiện các môn thi của từng ngành/chuyên ngành trong trường hợp có tổ chức thi tuyển đối với Liên thông ĐHCQ.
1.2. Nguyên tắc xét trúng tuyển
Trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh sẽ xét trúng tuyển những thí sinh có tổng điểm ba (03) môn theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Trường hợp có nhiều thí sinh cùng tổng điểm các môn thi như nhau, Trường sử dụng tiêu chí phụ để xét tuyển theo thứ tự như sau: 1. Điểm môn Chuyên ngành; 2. Điểm môn Cơ sở ngành (Phụ lục 1).
2. Phương thức xét tuyển
2.1. Điểm xét tuyển
– Điểm xét tuyển là điểm trung bình chung tích lũy (ĐTBCTL) toàn khóa học của bậc cao đẳng được tính theo thang điểm 10, áp dụng đồng thời cho đối tượng tuyển sinh đúng ngành và khác ngành.
– Trường hợp thí sinh có bảng điểm theo thang điểm 4, trường sẽ thực hiện quy đổi sang thang điểm 10 theo quy định của Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh để xét tuyển.
2.2. Nguyên tắc xét trúng tuyển
– Nguyên tắc xét trúng tuyển: Trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh sẽ xét trúng tuyển những thí sinh có điểm trung bình chung tích lũy toàn khóa học theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp.
– Trường hợp có nhiều thí sinh cùng điểm trung bình chung tích lũy toàn khóa học như nhau, Trường sử dụng tiêu chí phụ để xét tuyển theo thứ tự như sau: 1. Điểm môn chuyên ngành; 2. Điểm môn cơ sở ngành (Phụ lục 1).
3. Phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển
– Trường thông báo cụ thể chỉ tiêu tuyển sinh áp dụng đối với mỗi phương thức xét tuyển và thi tuyển.
– Căn cứ vào chỉ tiêu của từng phương thức tuyển sinh, thực hiện nguyên tắc xét tuyển như quy định tại mục 6.1.2 và 6.2.2.
Điều 7.Điều khoản thi hành
1. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, áp dụng đối với các khóa tuyển sinh sau ngày quy định có hiệu lực thi hành. Trưởng các đơn vị, công chức, viên chức và người học có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, các đơn vị gửi ý kiến về Phòng Đào tạo để tổng hợp, trình Hiệu trưởng xem xét quyết định./.
PHỤ LỤC 1
Danh mục các môn chuyên ngành và môn cơ sở ngành
Ngành/Chuyên ngành |
Tiêu chí phụ |
||
---|---|---|---|
Môn chuyên ngành |
Môn cơ sở ngành |
||
1. Quản trị (Ngành Quản trị kinh doanh) |
Quản trị nguồn nhân lực |
Quản trị học |
|
2. Kinh doanh quốc tế (Ngành Kinh doanh quốc tế) |
Quản trị chiến lược công ty đa quốc gia |
Marketing quốc tế |
|
3. Ngoại thương (Ngành Kinh doanh quốc tế) |
Quản trị xuất nhập khẩu |
Marketing căn bản |
|
4. Marketing (Ngành Marketing) |
Marketing quốc tế |
Marketing căn bản |
|
5. Tài chính (Ngành Tài chính – Ngân hàng) |
Tài chính doanh nghiệp |
Lý thuyết tài chính |
|
6. Ngân hàng (Ngành Tài chính – Ngân hàng) |
Ngân hàng thương mại |
Nguyên lý ngân hàng |
|
7. Quản trị hải quan – Ngoại thương (Ngành Tài chính – Ngân hàng) |
Quản trị xuất nhập khẩu |
Nguyên lý tài chính ngân hàng |
|
8. Thương mại điện tử (Ngành Hệ thống thông tin quản lý) |
Cơ sở lập trình |
Toán dùng trong tin học |
|
9. Kế toán doanh nghiệp (Ngành Kế toán) |
Kế toán tài chính |
Nguyên lý kế toán |
|
10. Tiếng Anh thương mại (Ngành Ngôn ngữ Anh) |
Kỹ năng Đọc – Viết |
Ngữ pháp |
|
11. Quản trị lữ hành (Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành) |
Marketing du lịch |
Quản trị du lịch |
|
12. Quản trị khách sạn (Ngành Quản trị khách sạn) |
Vận hành tiền sảnh |
Quản trị du lịch |